Khủng hoảng vì áp lực phải giỏi giang ở trẻ càng ngày càng lớn.
Hãy cùng lắng nghe tâm sự của một bạn trẻ trải qua khoảng thời gian áp lực vì học tập có suy nghĩ gì?
Mai Ngọc, 16 tuổi, kể cuộc đời em đột ngột rẽ sang một hướng khác kể từ khi thi trượt vào trường cấp 3 mà bố mẹ mong muốn.
“Bữa cơm nào mẹ cũng chì chiết, nói bóng gió hay so sánh với con nhà người ta khiến em phát sợ”, Ngọc nói và cho biết thêm nhiều tháng nay em hay giật mình trong lúc ngủ vì vẫn mơ màng nghe tiếng mẹ bên tai.
Cô bé học sinh một trường dân lập ở TP HCM thừa nhận từ nhỏ đã được bố mẹ tạo mọi điều kiện cho học hành, kể cả chi bao nhiêu tiền cũng sẵn sàng. Em cũng luôn cố để có thành tích học tập tốt nhất, thỏa kỳ vọng của mẹ. Từ ngày con đi học, chị Bình, mẹ Ngọc, chọn thầy, chọn lớp vì muốn “môi trường học tập tốt nhất”.
Ngoài học chính khóa, chị đăng ký bổ túc ba môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh các tối trong tuần cho con. Về nhà, chị tiếp tục kèm con học, quy định không nghỉ trước 11 giờ đêm. “Nhiều khi em kêu mệt, mẹ gắt ‘có ăn với học cũng không xong’. Em chọn im lặng vì cố giải thích mẹ cũng không hiểu, dễ bị quy chụp là láo, nuôi ăn học để cãi”, Ngọc thở dài.
Chín năm học sinh giỏi, luôn trong top 10 của lớp, nhưng Ngọc trượt cấp 3 vì thiếu nửa điểm môn Toán. Những ngày sau, em bị mẹ so sánh với bạn bè, suy đoán “dính vào yêu đương” khiến học tập sa sút. Sau lần ấy, chị Bình thu điện thoại, cấm con ra ngoài để kiểm soát.
Từ người hoạt ngôn, Ngọc trở nên lầm lì, ít nói. “Mẹ không hiểu em muốn gì, cần gì, mà chỉ buộc phải hoàn hảo. Em sợ cách quan tâm thái quá và độc đoán của mẹ”, cô bé nói. Tình trạng hiện nay của Ngọc là không thể tập trung, hạn chế giao tiếp, sợ về nhà và muốn phát khùng khi mẹ liên tục khen “con nhà người ta”.

Các chuyên gia nói gì về áp lực phải giỏi giang ở trẻ?
Bác sĩ Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị các rối loạn liên quan stress, Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết các triệu chứng Mai Ngọc gặp phải là hội chứng trầm cảm. Theo ghi nhận của ông, điều đáng lo ngại là những năm gần đây, hội chứng trầm cảm ở độ tuổi vị thành niên càng tăng. Có tới 39% số người tới khám tâm thần trong năm 2020 tại Viện sức khỏe tâm thần thuộc lứa tuổi 14-19. Trong đó, nhóm học sinh cuối cấp hai và cuối cấp ba chiếm đa số, thường là học sinh ngoan, có học lực khá, giỏi.
Tình trạng này xuất hiện vì các em thường không tâm sự với gia đình khi bị bệnh; bố mẹ không nhận ra hoặc không thừa nhận con cái đang có vấn đề tâm thần. Vì vậy, bệnh nhân thường đến viện muộn, chậm trễ.
Nguyên nhân gây trầm cảm ở độ tuổi thiếu niên sâu xa hơn, xuất phát từ mâu thuẫn giữa bản thân trẻ và quan niệm về “con ngoan, trò giỏi” trong xã hội, theo nghiên cứu của bác sĩ Tâm và đồng nghiệp trong năm 2020. Không phải em nào cũng trầm cảm vì sức ép của cha mẹ. Các chuyên gia tâm lý, giáo dục đã ghi nhận nhiều người trẻ tự gây áp lực cho mình. Những em càng học giỏi, áp lực thành tích học càng nhiều.
Đến bây giờ, Thùy Trang, 20 tuổi ở Hà Tĩnh vẫn cảm thấy rùng mình mỗi khi nhắc về áp lực vô hình của học sinh trường chuyên. Cô sinh viên năm hai đại học tại Hà Nội kể về sự ganh đua trong lớp, áp lực giữ vững thứ hạng và kỳ vọng đạt giải cao của các thầy cô, suốt ba năm cấp 3.
Năm lớp 12, Trang đi thi học sinh giỏi quốc gia với mục tiêu phải đạt giải nhất bởi là lớp trưởng và lực học đứng đầu lớp. Nhưng nữ sinh chỉ đạt giải ba toàn quốc và được chứng kiến sự thay đổi thái độ đột ngột của thầy cô. Từ tâm điểm chú ý, Trang thành người vô hình. Giáo viên chủ nhiệm bước vào lớp chỉ chúc mừng học sinh giải nhì, không quan tâm đến sự tồn tại của em. “Họ không công nhận nỗ lực suốt nhiều tháng, thậm chí em từng ngủ gục trên bàn vì mệt”, nữ sinh hồi tưởng.
Khoảng thời gian sau đó, Trang không muốn đến trường vì sợ ánh mắt thất vọng của thầy cô. “Em khi ấy ghét mọi thứ xung quanh, thành tích học tập đi xuống vì thấy bất công, tủi nhục và không tìm được sự đồng cảm, thấu hiểu. Nhưng rất may bố mẹ đã động viên để em vượt qua”, cô kể.
PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết với một số học sinh, điểm thi cũng đồng nghĩa với điểm số lòng tự trọng và giá trị. Thất bại hoặc không đạt thành tích như kỳ vọng đồng nghĩa với việc cá nhân đó bị đánh giá là vô giá trị, làm mọi người xấu hổ, không xứng đáng được tôn trọng. Đây là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Theo ông Nam, có nhiều nguyên nhân sâu xa dẫn đến dấu hiệu bất ổn ở trẻ như dành nhiều thời gian cho mạng xã hội khiến trẻ ít có thời gian cho người thân và các mối quan hệ xã hội; Thiếu kinh nghiệm xử lý, giải quyết tình huống, cảm xúc; Sự thay đổi về tâm sinh lý trong giai đoạn vị thành niên; Nhu cầu được giao lưu, kết bạn bị hạn chế, dễ bị cô lập, tẩy chay ở trường lớp; Áp lực xã hội, đặc biệt là áp lực về học tập…
“Về khía cạnh tâm lý, một số học sinh có xu hướng trầm trọng hóa vấn đề, xem một lỗi nhỏ như tai họa lớn; khái quát hóa quá mức hoặc luôn tự ám thị mình sẽ không có khả năng chịu đựng. Tất cả những thời điểm này dễ xảy ra những hành vi lệch lạc”, ông Nam nhận định.
Nguồn: Tổng hợp facebook